Ảnh mới


Điện ảnh Việt vào những năm 80-90 đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ với những bộ phim thu hút nhiều tầng lớp khán giả không chỉ bởi kịch bản gần gũi, tài năng diễn xuất của các diễn viên, mà còn bởi sự xuất hiện của các mỹ nhân tuyệt sắc vang bóng một thời.

Y Phụng


Vốn là con gái của nghệ sĩ cải lương Minh Phụng, Y Phụng đã có khiếu nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Trước khi bén duyên cùng điện ảnh, Y Phụng đã từng đóng vai con trong các vở cái lương của ba mẹ đóng và hát các bài thiếu nhi trước giờ mở màn. Lớn lên, Y Phụng tự học hát và hướng sự nghiệp theo con đường cầm ca cũng như đi hát ở các tụ điểm ca nhạc trong Sài Gòn. Tuy nhiên, vai trò ca sĩ của chị không mấy thành công và cũng không được nhiều người ủng hộ. Đến khi có duyên với vai phụ đầu tiên trong bộ phim Những cánh hoa dại, Y Phụng mới chính thức lấn sân sang điện ảnh như một cuộc chạm ngõ định mệnh. Nổi tiếng với các dạng vai phản diện, lẳng lơ và cá tính, chị cũng đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả cùng với dàn ngôi sao điện ảnh Việt Nam một thời. Hiện nay, chị đang định cư tại Mỹ và thỉnh thoảng cũng về Việt Nam nhưng không tham gia vào showbiz nữa.


Diễm My


Có thể nói, Diễm My là nữ diễn viên kỳ cựu nhất đại diện cho thế hệ diễn viên nổi lên từ những năm 80 của điện ảnh Việt. Được sinh ra và lớn lên tại thành phố biển Nha Trang nên có lẽ vì vậy mà nét đẹp của chị cũng không kém phần mặn mà ngay từ khi còn là một cô thiếu nữ tuổi trăng tròn. Năm 1972, sau khi cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống, sự nghiệp của chị cũng bắt đầu từ đây. Làm mẫu ảnh, đóng phim, quảng cáo hay cả lồng tiếng… chị đều nhận được nhiều tình cảm của khán giả. Năm 17 tuổi chị đã xuất hiện trong bộ phim đầu tay Trang giấy mới, sau đó còn được công chúng biết đến như một Nữ hoàng ảnh lịch những năm 80 và thường xuyên đóng cặp với nam tài tử Chánh Tín. Đến nay, dù đã thuộc hàng U50 nhưng chị vẫn tham gia đều đặn các bộ phim truyền hình và điện ảnh cùng một nhan sắc và vóc dáng như thách thức với thời gian.

Thu Hà


Cuối những năm 80, nữ diễn viên mang tên Thu Hà đã được biết đến như một trong những diễn viên góp phần làm nên thời kỳ vang bóng của điện ảnh Việt. Được trời phú cho một vẻ đẹp quý phái kiểu “lá ngọc cành vàng” như chính tên bộ phim đã làm nên tên tuổi của chị vào năm 1989, Thu Hà đã làm say đắm biết bao khán giả cùng với những vai diễn thấm đẫm nước mắt của chị. Vào thời điểm đó, chị và nam diễn viên tài hoa bạc mệnh Lê Công Tuấn Anh được khán giả xem như một cặp tình nhân đẹp đôi trên màn ảnh và những bộ phim có sự xuất hiện của họ luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Trải qua bao thằng trầm của cuộc đời, dù không may mắn trong chuyện hôn nhân nhưng nét đẹp kiêu sa, quý phái và những vai diễn để đời của diễn viên Thu Hà vẫn luôn tồn tại trong lòng người hâm mộ. Hiện nay, chị đã bước qua tuổi 40, thỉnh thoảng vẫn tham gia một số sự kiện của showbiz và cũng đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho những cống hiến nghệ thuật mà chị đã dành cho điện ảnh và sân khấu Việt Nam.

Diễm Hương


Diễm Hương là một cái tên mà khi nhắc đến, rất nhiều khán giả yêu mến phim Việt những năm 90 không khỏi tiếc nuối khi chị rời xa màn bạc khá sớm, một mỹ nhân hiếm có của điện ảnh Việt Nam. Nét đẹp hiền dịu, trong sáng, toát lên vẻ thánh thiện của chị luôn được các đạo diễn ưu ái và mời vào những vai diễn hiền lành, thùy mị. Từng đóng chung với nhiều nam diễn viên khác nhau, nhưng có thể nói Lý Hùng là người mà khán giả Việt luôn yêu thích khi đóng cặp cùng Diễm Hương. Họ cũng là cặp đôi tạo nên tiếng vang cho bộ phim Phạm Công Cúc Hoa đình đám một thời. Kể từ khi rời bỏ màn ảnh đến nay, Diễm Hương vẫn sống một cách lặng lẽ bên chồng con tại Canada và rất hiếm khi về Việt Nam. Dù không còn trẻ như xưa, nhưng trong lòng khán giả vẫn luôn mong muốn sẽ được gặp lại chị cũng như đôi tiên đồng ngọc nữ Diễm Hương - Lý Hùng sẽ tái ngộ với khán giả Việt Nam vào một ngày không xa dù biết điều này rất khó để thực hiện.

Việt Trinh


Câu nói “hồng nhan bạc phận” có lẽ rất đúng với cô nàng diễn viên có đôi mắt “cinema” Việt Trinh vang bóng một thời. Là tên tuổi thuộc hàng ngôi sao đình đám của điện ảnh Việt thập niên 90, Việt Trinh đã xuất hiện liên tục trong hàng loạt bộ phim ăn khách, trong đó Ngọc trong đá là bộ phim đã giúp tên tuổi Việt Trinh in sâu trong lòng khán giả dù lúc đó chị chỉ đóng vai phụ. Sau này, khi đã trở thành một ngôi sao màn bạc và diễn chung với Lê Tuấn Anh, Lý Hùng, sự nghiệp của Việt Trinh cũng đã từng có những lúc vinh quang trên đỉnh cao của danh vọng. Tuy nhiên, những lùm xùm và tai tiếng liên quan đến các mối tình đại gia đã khiến tên tuổi chị cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Sau một khoảng thời gian sống ẩn mình và đơn thân nuôi con, chị cũng đã quyết định trở lại với phim ảnh trong vai trò mới là đạo diễn của phim truyền hình Trở về. Bỏ qua những thị phi và ồn ào của ngày xưa, Việt Trinh dù thế nào vẫn là một ngôi sao điện ảnh được nhiều khán giả yêu thích nhất theo năm tháng cùng với nhan sắc mặn mà của chị.

Lý Thu Thảo


Cũng giống với Việt Trinh, cuộc đời của Lý Thu Thảo - Hoa hậu đầu tiên và duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh năm 1989 cũng gặp không ít trắc trở. Sau khi lên ngôi hoa hậu, Lý Thu Thảo đã được săn đón như một ngôi sao của showbiz Việt thời bấy giờ. Ngọc trong đá cũng là bộ phim giúp khẳng định tài năng diễn xuất của chị bên cạnh diễn viên Việt Trinh. Tuy nhiên, do sức ép của dư luận và những áp lực không đáng có trong thế giới phức tạp của sự nổi tiếng, chị đã không chịu đựng được và cũng âm thầm sang Canada sinh sống, để lại sự tiếc nuối với nhiều khán giả ái mộ mình. Chị cũng từng được biết đến với mối tình nổi tiếng cùng diễn viên Phước Sang. Gần đây nhất là năm 2010, Lý Thu Thảo đã xuất hiện trong một vai nhỏ của bộ phim điện ảnh Tây Sơn hào kiệt nhưng vẫn từ chối tiếp xúc với truyền thông.

Cao Trí Hòa


Xem những cảnh hậu trường phim giúp khán giả hiểu được chuyện bếp núc làm phim - những hình ảnh thật nhất của bộ phim khi đang quay chứ không phải nội dung chỉn chu sau khi đã dựng hoàn tất. Nội chuyện đạo diễn hò hét chỉ đạo diễn xuất như thế nào, diễn viên diễn xuất ra sao và những chuyện bi - hài diễn ra trong quá trình làm phim cũng đủ để… làm nên một bộ phim nữa.

Gần đây nhiều nhà làm phim đã chủ động quay lại những hoạt động phía sau màn ảnh để thỏa mãn sự tò mò của khán giả: Bộ phim đó đã được làm như thế nào. Với khán giả, việc xem trước các clip này khiến họ khá thích thú như xem một quảng cáo trước cho phim. Riêng về góc độ làm nghề, hình ảnh hậu trường có thể giúp phim Việt đỡ tẻ nhạt hơn, hấp dẫn người xem hơn.

Kể chuyện bếp núc làm phim

Trước đây, bộ phim truyền hình Tây du ký - phiên bản năm 1986 của nữ đạo diễn Dương Khiết cũng đã chú ý đến việc làm chuyện hậu trường phim. Sau khi xem xong tập 25, khán giả đã được dịp cười thoải mái khi biết các diễn viên đã đóng phim như thế nào. Ở thời điểm đó, những cảnh sau màn ảnh là rất hiếm. Ngày nay, để thu hút khán giả, hầu hết các phim Việt đều quay cảnh hậu trường. Việc quay lại những cảnh này không quá tốn kém và mất thời gian như xưa. Một diễn viên cũng có thể quay lại những cảnh mình đã tập luyện thế nào, được chỉ đạo diễn xuất, hỗ trợ ra sao. Ít ai biết những cảnh quay hồi hộp, gay cấn, thậm chí những cảnh nóng bỏng giường chiếu trên phim lại là cảnh hài hước ở hậu trường.


Hậu trường một cảnh nóng trong  phim Mỹ nhân kế của Diễm My 9x với Phạm Anh Khoa. Ảnh: CTV

Thông thường, đóng cảnh nóng được xem là khó và là thử thách đối với diễn viên. Tuy hình ảnh xuất hiện trên phim rất lãng mạn, tình tứ nhưng ở trường quay lại là… cực hình nếu cứ phải làm đi làm lại quá nhiều lần do khuôn mặt, tư thế của diễn viên chưa được gợi cảm. Như cảnh nóng được xem là “bạo liệt” của diễn viên Diễm My 9x và Phạm Anh Khoa trong phim Mỹ nhân kế, trên phim cảnh này khá ấn tượng, mô tả cảnh yêu đương vụng trộm dữ dội giữa núi rừng giữa nàng Mai Thị và chàng chăn dê. Tuy nhiên, khi xem cảnh hậu trường phim, khán giả được một phen cười bò khi thấy đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phải chỉ đạo diễn xuất nhiều lần, thậm chí phải dạy Diễm My cách cởi nút áo chàng chăn dê ra sao. Chính nhờ những clip đằng sau hậu trường khán giả mới biết cảnh nóng thật ra được quay rất nghiêm túc và không… sướng như họ vẫn nghĩ.


Thành chiêu quảng cáo

Chính vì thu hút khán giả mà cảnh hậu trường đã trở thành một trong những nội dung PR phim khá hiệu quả. Gần đây, đoàn làm phim Lửa Phật đã cung cấp những hình ảnh hậu trường cho báo chí và đưa lên mạng xã hội nhiều hình ảnh thú vị trong khi phim này đến tháng 8 mới công chiếu và những hình ảnh này đã trở thành công cụ quảng cáo hữu hiệu cho phim.

Tương tự, trước khi công chiếu phim Mỹ nhân kế vào dịp tết Nguyên đán, đoàn làm phim đã đưa ra tổng cộng 8 clip khá hấp dẫn về hậu trường làm phim. Những clip này được cư dân mạng thích thú bình luận, cập nhật hằng giờ trên Facebook. Có thể nói
Mỹ nhân kế được khán giả quan tâm nhiều là nhờ đã công bố các clip cảnh hậu trường thành công, gây thiện cảm với người xem phim trước khi đến rạp. Riêng bộ phim Nữ hoàng cà phê của đạo diễn Võ Việt Hùng (dài 60 tập, đang phát trên HTV7) lại được PR bằng một trailer cảnh hậu trường khá hấp dẫn kể việc đoàn phim phải đi Buôn Ma Thuột quay nông trường cà phê, diễn viên phải lặn lội vượt suối ở Buôn Đôn để bảo đảm tiến độ quay như thế nào...

Không chỉ các chương trình, clip, phim về hậu trường, từ đầu năm tới nay đã có thêm nhiều chương trình truyền hình nói về hậu trường phim ảnh. Đầu năm là chương trình “bật mí” phim truyền hình của HTV chuyên phỏng vấn các biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim… để khán giả biết những “chuyện phía sau máy quay” khi làm phim truyền hình. Những hình ảnh thú vị của hậu trường phim được công bố, những vui buồn khi quay phim cũng được chia sẻ một cách cởi mở ở chương trình này.

Ngoài ra, ở chương trình “Góc nhỏ phim trường” trên kênh VTV Cần Thơ, trước một tập phim, đoàn làm phim lại giới thiệu và đưa ra những hình ảnh trong quá trình làm phim. Việc phỏng vấn biên kịch, đạo diễn, diễn viên về nhân vật trong phim… giúp người làm phim đến gần hơn với khán giả. Chương trình được bắt đầu với phim Việt Duyên nợ miền Tây, hiện đang phát giờ vàng phim Việt trên VTV Cần Thơ.

Ngô Hạnh

Vì sao truyền hình thực tế (THTT) lại phát triển ồ ạt trong thời gian qua? Câu trả lời đơn giản chỉ là: THTT hiện đang đem lại siêu lợi nhuận cho nhà đài lẫn nhà sản xuất.

Trung bình, chương trình phát sóng trên VTV3 một đêm thu về không dưới 40 mẩu quảng cáo.

Nếu chịu khó ngồi xem và đếm quảng cáo trong chương trình truyền hình lúc 20g tối chủ nhật 7-4 trên hai kênh HTV7 và VTV3 sẽ thấy một sự chênh lệch khá rõ rệt.

77 quảng cáo cho một chương trình


Vào 20g ngày 7-4, bộ phim VN Oan nghiệt phát sóng trên HTV7 thu về gần 20 mẩu quảng cáo. Trong khi đó, cùng giờ này trên VTV3, chương trình Tìm kiếm tài năng Việt mùa thứ hai có đến hơn 50 mẩu quảng cáo xen vào.

Cặp đôi hoàn hảo dù không còn tính mới mẻ đối với người xem và đã bắt đầu bộc lộ nhiều nhược điểm, dù phát sóng vào giờ khá khuya (21g20) nhưng đêm phát sóng ngày 17-3 thu về đến 60 mẩu quảng cáo. Cứ sau hai cặp thí sinh biểu diễn là bắt đầu đến tiết mục quảng cáo nối đuôi nhau xuất hiện.

Khủng khiếp hơn, với khán giả truyền hình, chỉ hơn hai tiếng phát sóng đêm chung kết Gương mặt thân quen, truyền hình trực tiếp lúc 21g20 trên VTV3 ngày 16-3, không tính những quảng cáo xuất hiện cực ngắn, quảng cáo chạy dưới chân màn hình, đếm sơ sơ nhà đài thu được đến...77 mẩu quảng cáo.

Ðiều đáng nói là trong ba tháng phát sóng, Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình Ðài truyền hình VN đã hai lần tăng mức giá quảng cáo trong chương trình này. Cụ thể, mức giá quảng cáo trong thông báo ngày 16-1 tăng 25% so với mức giá của thông báo ngày 9-1, và mức giá quảng cáo đêm chung kết (theo thông báo ngày 5-3) đã tiếp tục tăng thêm 25% nữa.

Như vậy, mức giá quảng cáo trong đêm chung kết này đã được tăng lên 50% so với mức giá từng được áp dụng khi chương trình bắt đầu lên sóng. Cụ thể, mẩu quảng cáo dài 10 giây là 90 triệu đồng, 108 triệu đồng cho quảng cáo dài 15 giây, 135 triệu đồng cho quảng cáo dài 20 giây và 180 triệu đồng cho mẩu quảng cáo dài 30 giây. Cứ thế mà nhân lên thì có thể thấy sau hơn hai giờ phát sóng, chương trình đã có thể thu về khoảng 10 tỉ đồng (chưa trừ các phí).

Ông Hà Nam - trưởng ban thư ký biên tập của VTV - cho biết: “Hiện nay VTV có đến sáu kênh quảng bá, phục vụ đa dạng cho mọi đối tượng khán giả. Riêng kênh VTV3 là kênh giải trí tổng hợp nên tập trung nhiều các chương trình giải trí, trong đó có THTT. Chúng tôi dành thời lượng tối thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật cho các chương trình THTT để khán giả được giải trí, thư giãn những ngày cuối tuần. Có một thực tế là không thể lấy nguồn thu của một chương trình để đánh giá cho toàn bộ kênh. Tổng thời lượng quảng cáo trên một kênh của VTV vẫn còn rất thấp. Nhưng rõ ràng lượng quảng cáo đổ vào chương trình nhiều chứng tỏ THTT đang có sức hút lớn với khán giả”.


77 quảng cáo cho đêm chung kết Gương mặt thân quen là động lực cho nhà sản xuất nghĩ đến mùa thứ hai hoành tráng hơn. Trong ảnh: Khởi My (thí sinh đoạt giải nhất) hóa thân thành ca sĩ Shakira trình diễn bài Give it up to me - Ảnh: T.T.D.

Đôi bên cùng lợi
Việc hợp tác với nhà đài để sản xuất chương trình THTT cũng khá giống việc hợp tác để sản xuất phim truyền hình. Ví dụ như nếu nhà sản xuất đầu tư cho chương trình khoảng 10 tỉ thì họ sẽ ký hợp đồng với nhà đài cam kết doanh thu phải đạt 15 tỉ thì mới thu về được số tiền đầu tư sản xuất. Nếu doanh số quảng cáo thấp hơn con số này thì sẽ bị lỗ, còn nếu doanh số quảng cáo thu về cao hơn 15 tỉ thì trên phần lợi nhuận dư ra ấy, nhà sản xuất sẽ được thưởng theo hợp đồng với nhà đài.

Bà Bích Liên - giám đốc Công ty Sóng Vàng, đơn vị vừa sản xuất phim truyền hình lẫn game show và THTT - cho biết: “Sản xuất phim truyền hình an toàn hơn vì nhà đài đưa sẵn số tiền đầu tư. Nếu nhà sản xuất thu về được số tiền nhà đài trả (180 triệu đồng/tập) là đã có lời. Còn sản xuất chương trình THTT số tiền đầu tư thực tế cao hơn nhiều hơn so với số tiền trong hợp đồng với nhà đài.

Cụ thể như với Gương mặt thân quen, để mời được Hoài Linh làm giám khảo không phải đơn giản, chương trình biểu diễn đêm chung kết cũng cần đầu tư hoành tráng, đưa nhiều “chiêu trò” cho các nghệ sĩ biểu diễn thì mới có nhiều khán giả xem. Những khoản phát sinh này không có trong hợp đồng. Nhưng bù lại sản xuất chương trình THTT dễ tìm được nhà tài trợ hơn”. Tuy nhiên, khi hỏi bà Liên và một số nhà sản xuất một con số cụ thể cho việc tài trợ này thì ai cũng khẳng định: đó là con số bí mật.

Ngay cả như chương trình Siêu đầu bếp (Iron Chef) mùa thứ hai phát sóng vào khung giờ không phải là vàng (11g chủ nhật trên VTV3), ngày 17-3 cũng thu về được 10 mẩu quảng cáo. Theo bà Lê Hạnh, giám đốc TVPlus - đơn vị sản xuất chương trình này, thì: “Với mức doanh thu quảng cáo khoảng 300 triệu đồng/chương trình có thể nói là chúng tôi hòa vốn.

Tuy nhiên thông thường chi tiêu quảng cáo của các nhãn hàng đều giảm vào quý 1. Mấy tháng trước số lượng quảng cáo nhiều hơn, có chương trình lên tới 20 mẩu quảng cáo - con số rất tốt đối với khung giờ tương tự”.

Cạnh tranh sẽ khốc liệt

Trước lợi nhuận khổng lồ như trên, việc đài đài, nhà nhà sản xuất chương trình THTT là điều dễ hiểu. Một loạt chương trình mới sắp tới sẽ xuất hiện, các chương trình cũ vẫn tiếp tục lên sóng bởi các nhà sản xuất đều khẳng định họ mua bản quyền chương trình không chỉ để phát sóng một hai lần mà phải tìm cách kéo dài tuổi thọ của chương trình cho đến lúc... không còn khán giả muốn xem.

Ngay khi chưa kết thúc, nhà sản xuất Gương mặt thân quen đã nghĩ đến nội dung của chương trình này vào mùa phát sóng thứ hai. “Ðộc, lạ là yếu tố không thể thiếu được để thu hút khán giả. Chúng tôi sẽ đưa vào tiết mục nghệ thuật khác như chèo, tuồng, cải lương... cho chương trình thêm hấp dẫn” - bà Bích Liên “bật mí”.

Còn nhà sản xuất chương trình Thử thách cùng bước nhảy - rất thành công khi phát sóng trên HTV7 vừa qua - cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho mùa kế tiếp. Khá bận rộn cho chương trình mới Tôi là người chiến thắng, ông Nguyễn Hải - giám đốc sản xuất chương trình Thử thách cùng bước nhảy - cho biết: “Có thể mùa thứ hai khán giả sẽ không còn sự bất ngờ nên chúng tôi phải tập trung đến yếu tố chất lượng thí sinh bằng cách mở rộng việc tuyển chọn. Chúng tôi không cần số đông mà chỉ cần những người nhảy có tài”.

Các kênh truyền hình lớn đang có sự cạnh tranh ngầm để phát sóng chương trình THTT, mà hiện nay ưu thế đang nghiêng về VTV. Sắp tới, ưu thế này sẽ tiếp tục lấn lướt khi VTV3 trình làng một loạt chương trình mới nổi tiếng của thế giới như Giọng hát Việt nhí, Nhà thiết kế VN, X-Factor (Nhân tố X), Got to dance... Lý giải điều này, theo ý kiến của bà Lê Hạnh: “Tôi nghĩ do nhu cầu thôi. Ở đâu có nhu cầu thì ngay lập tức sẽ có người đáp ứng nhu cầu đó”. Một nhà sản xuất không muốn nêu tên cho rằng: “Bên cạnh yếu tố phủ sóng toàn quốc, chính sách của VTV khá đơn giản nên các nhà sản xuất làm việc cũng dễ dàng hơn”.

Bí mật thông tin mua bán bản quyền

Cho đến thời điểm này, chỉ có Thần tượng âm nhạc VN - Vietnam Idol mùa đầu tiên được đơn vị sản xuất là Đông Tây Promotion và đơn vị tài trợ là Unilever xác nhận đã bỏ ra 2 triệu USD để mang phiên bản này về VN. Còn lại mọi thông tin mua bán bản quyền sau đó đều trong vòng bí mật.

Các đơn vị sản xuất cho biết họ không thể tiết lộ thông tin giá cả vì nhiều lý do: ràng buộc hợp đồng, tránh các đối thủ “giật mối”... Hơn nữa, số tiền mua-bán bản quyền một chương trình không phải là một con số cố định hay cụ thể. Đôi lúc nó phụ thuộc việc phiên bản khi mang về VN thành công hay thất bại mà giá có thể cao hơn hay thấp đi một chút. Với mùa thứ hai trở đi, thông thường bản quyền cũng sẽ “nhẹ” hơn mùa đầu. Nhưng có một điều chắc chắn rằng các phiên bản truyền hình “hot” như Idol, The Voice, Next top model, So you think you can dance... đều có giá triệu đô.

Bỏ ra một số tiền lớn như thế nhưng nếu khéo làm, khéo PR, khéo kêu gọi tài trợ... thì các đơn vị sản xuất vẫn lời to. Nhân viên cũ của một “đại gia” truyền hình tiết lộ có những tập thi nhà sản xuất lời cả tỉ đồng (sau khi đã trừ tất cả các chi phí) từ quảng cáo trên truyền hình.

Con chim mồi


Thực tế các “đại gia truyền hình” không quá nhọc công “săn” các chương trình đang ăn khách về VN vì các nhà giữ/ phân phối bản quyền của các chương trình này đã có sẵn những chiến lược để tiếp cận lẫn tiếp thị chương trình đến nhiều quốc gia khác nhau.

Rất dễ thấy trước khi chính thức đến VN, những phiên bản truyền hình ăn khách quốc tế như: Idol, Next Top, MasterChef, So you think you can dance, The Voice... đều được phát sóng “mồi” trên các kênh Star Movie, AXN... qua hệ thống truyền hình cáp tại VN. Từ đó, đơn vị giữ bản quyền quốc tế lẫn các nhà sản xuất chương trình VN đã phần nào nắm bắt được sự quan tâm của bạn xem đài trước khi quyết định mua hay bán một chương trình nào đó.

Thậm chí, phía giữ/phân phối bản quyền quốc tế còn chủ động liên lạc với các nhà sản xuất VN để chào hàng các định dạng (không chỉ truyền hình thực tế mà còn có cả game show) đang được yêu thích trên toàn cầu và mời các nhà sản xuất “xem thử” chương trình trên các kênh truyền hình cáp nói trên. Ngược lại, phía sản xuất VN đôi khi cũng gửi yêu cầu các đối tác cung cấp bản quyền nước ngoài tìm kiếm giúp mình một chương trình có nội dung, tiêu chí hay đối tượng người xem (người tiêu dùng) phù hợp với một đơn vị tài trợ nào đó (thường là một nhãn hàng tiêu dùng).

Mối quan hệ giữa hai bên khá chặt chẽ nên ngay khi hai cô gái trẻ gốc Việt Christine Hà hay Chloe Ðào giành được chiến thắng vẻ vang tại Mỹ cũng là lúc có thông tin MasterChef (Vua đầu bếp) và Project runway (Nhà thiết kế thời trang Việt Nam) sẽ “về” Việt Nam với sự tham gia của Christine Hà và Chloe Ðào trong thành phần ban giám khảo.

Hoàng Lê, QN (Tuổi Trẻ)

Người Sài Gòn khá sành điệu với các loại quần, từ quần ống túm cho tới ông côn, ống loe rộng. Váy cũng đủ loại, đủ kiểu từ kiểu cổ điển nhất là dài quá đầu gối, phồng, gọi là váy chuông, váy bút chì.

Những biến cố của lịch sử luôn có ảnh hưởng rất mạnh tới gu thời trang của người dân. Điều này thể hiện rất rõ rệt trong phong cách ăn mặc của dân thành thị ở 2 thành phố lớn nhất Việt Nam: Hà Nội và Sài Gòn.

Một Hà Nội rất khác


Trong thời kỳ này, người dân miền Bắc nói chung và người Hà Nội nói riêng đang trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, chống Mỹ và khôi phục lại những hậu quả khủng khiếp sau chiến tranh chống Pháp nên phong cách ăn mặc chuyển từ xênh xang áo xống sang gọn gàng, khỏe khắn. Đi tới nơi đâu cũng bắt gặp hình ảnh áo cánh, áo sơ mi tay bồng chiết eo đi cùng quần đen (mùa hè) và áo trần bông, áo vest kiểu Hồng Kong (mùa đông) trông na ná như nhau chỉ khác về chất liệu. “Xịn” nhất trong phong cách thời trang này là áo lụa trắng nõn và quần đen tuyền may từ lụa Hà Đông hoặc lĩnh Bưởi. Nam giới thì thường mặc áo đại cán 4 túi, còn gọi là áo kiểu Tôn Trung Sơn.

Trang phục giản dị của nam, nữ thời bao cấp

Khi kiểu dáng quần áo cả trăm cái như một thì các trang phục nhập ngoại (được xách tay hoặc buôn lậu) trở thành mốt của giới thanh niên. Những “thương hiệu” nổi bật có thể kể đến như áo bay Liên Xô, áo Nato, quần bò Thái, quần áo Tô Châu… Về thứ đội trên đầu thì mũ cối gần như chiếm một vị trí độc tôn, trong đó mũ cối Tàu là thời thượng nhất, có khi giá trị gần bằng hai chỉ vàng.

Giày dép “hàng hiệu” lúc bấy giờ là dép nhựa trắng Tiền Phong, dép tông lào đế dày, giày Tây cũng xuất hiện song thuộc loại hàng “cực độc.” Thậm chí, thanh niên thời đó coi thời trang như là công cụ “khoe mẽ” để cạnh tranh “tán gái”!


Mốt của dân chơi Hà Nội thời bao cấp: dép cao su và mũ cối

Và một Sài Gòn xa hoa

Trong khi ấy, Sài Gòn lại vô cùng nở rộ và đa dạng các sắc thái phong cách thời trang theo phong trào Tây hóa. Khắp Sài Gòn tràn ngập các loại váy đầm, quần, áo rất hợp thời, thậm chí còn bắt kịp xu thế thời trang thế giới lúc bấy giờ.

Người Sài Gòn khá sành điệu với các loại quần, từ quần ống túm cho tới ông côn, ống loe rộng (thập niên 70). Váy cũng đủ loại, đủ kiểu từ kiểu cổ điển nhất là dài quá đầu gối, phồng, gọi là váy chuông, váy bút chì (thập niên 60), mini jupe càng ngắn càng đẹp (thập niên 70) cho đến váy suông thẳng xẻ tà, váy xếp li…
Các thiếu nữ Sài Gòn xúng xính với váy suông

Trang phục phụ nữ Sài Gòn thường được trang trí điệu đà, tinh tế với những đường ren, và trên ngực, bên vai, hay ở thắt lưng có đính bông hoa vải, chiếc nơ to, hoặc kẹp áo trang sức lấp lánh… Nếu mặc áo ngắn tay hay không tay, người ta thường đeo găng tay bằng ren và quàng khăn lụa rất hợp thời và sang trọng.


Fashionista trên đường phố Sài Gòn năm 60

Áo quần kiểu hippy đã một thời chiếm lĩnh mốt thời trang của Sài Gòn cùng lúc với phong trào hippy ở Mỹ năm đầu thập kỷ 60. Áo may bằng vải xô mỏng, thêu rối rắm. Áo thường ngắn, hở cả lưng, bụng người mặc, ống tay áo rộng, phồng. Quần bò "zin" bó mông, bạc phếch, rách rưới, có miếng vá ở đầu gối, ở mông... hoặc váy dài đến mắt cá nhân, có hàng khuy ở giữa từ thắt lưng xuống gấu…

Giày dép cũng đa dạng, thay đổi xu hướng đến chóng mặt. Năm 1954 - 1959, mốt là giày da mũi nhọn, gót cao. Đến ít năm sau, người ta đi giày mũi vuông, gót vuông, thấp. Sau lại đổi qua mốt giày cao gót trên 10cm lênh khênh... Nếu mặc áo dài thì phải đi guốc gỗ gót cao, nhọn, sơn mài hoa lá…

Vào giai đoạn này, những người nổi tiếng cũng là những người đi đầu xu hướng và định hình phong cách cho người dân. Họ được coi như những biểu tượng thời trang như đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân – người khởi xướng mốt áo dài Trần Lệ Xuân biến tấu táo bạo với cổ ngang, quàng khăn lông thú và cũng từng đưa hình ảnh áo dài lên tạp chí Time. Hay như ngôi sao Thẩm Thúy Hằng lăng xê mốt váy áo bó sát gợi cảm và bốt cao… Phụ nữ Sài Gòn thời ấy ai cũng muốn được phong cách cao sang như Trần Lệ Xuân hay sành điệu như Thẩm Thúy Hằng, nên đổ xô đi mua hay may những bộ cánh giống thần tượng. Đây cũng là nét rất tương đồng với thời trang hiện đại ngày nay.

Mặc đẹp thời bao cấp và tiền bao cấp, Thời trang, thoi trang viet, thoi trang bao cap, thoi trang 1960, thoi trang xua, thoi trang nay Mặc đẹp thời bao cấp và tiền bao cấp, Thời trang, thoi trang viet, thoi trang bao cap, thoi trang 1960, thoi trang xua, thoi trang nay

 Trần Lệ Xuân... 
 
Và Thẩm Thúy Hằng là 2 hình tượng thời trang của phụ nữ Sài Gòn


Trong khoảng thập niên 50 – 80, tại các vùng nông thôn, ngoại thành miền Bắc, Nam và miền Trung, người dân vẫn ăn mặc theo kiểu truyền thống, không có biến động nhiều ở phong cách thời trang.

Thu Hương

Những năm đầu mở cửa

Những năm đầu thập niên 90, vẫn có sự khác biệt giữa thời trang của thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn đổi tên).

Ảnh hưởng tàn dư từ trào lưu Tây hóa, phong cách ăn mặc của người dân thành phố Hồ Chí Minh vẫn nhiều loại quần áo kiểu hơn các khu vực đô thị khác. Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế đất nước thống nhất, trang phục người dân chuyển dần từ phong cách táo bạo sang đơn giản, thực dụng và cổ điển hơn.


Thời trang lúc này đơn giản và thực dụng hơn



Cách ăn mặc của các nghệ sĩ thời bấy giờ cũng đã cởi mở hơn

Tại thành phố Hồ Chí Minh thời điểm này, những con phố thời trang cũng đã xuất hiện rất sớm, điển hình như phố thời trang Nguyễn Trãi. Đây là con phố nhỏ thuộc trung tâm với hơn 300m mà có đến gần 50 shop hàng hiệu. Thời điểm kinh doanh thời trang huy hoàng nhất là vào những năm từ 1995-1998. Sau đó xuất hiện thêm dần những phố thời trang khác như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn… với gu thời trang "bụi", mới và nhanh đổi mốt.

Ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, vào đầu những năm 90 gu ăn mặc cũng có nhiều thay đổi. Phong cách thời trang của người dân chịu nhiều ảnh hưởng của Liên Xô (cũ). Tuy nhiên, thay vì khá giản tiện và ít thay đổi như thời kỳ bao cấp, xu hướng cũng có nhiều chuyển biến theo hướng xoay vòng có biến tấu. Những chiếc quần thay đổi kiểu dáng đa dạng từ dạng ống côn, phần đùi rộng, tới ống loe rồi lại về ống côn ôm sát đùi hơn và sau đó là quần ống vẩy… Mốt áo phổ biến nhất vẫn là áo nỉ, áo cánh dơi…

Váy lúc này cũng rất được phụ nữ miền Bắc ưa chuộng, từ những chiếc đầm dài vải voan nữ tính cho tới những chiếc jupe óng bộ với áo vest…


Mốt đóng bộ vest, mặc minijupe của phụ nữ Hà Nội

Cuối thập niên với ảnh hưởng của văn hóa ngoại

Khoảng năm từ năm 96 -99, thời trang hai miền Nam Bắc có xu hướng hòa chung một nhịp khi làn sóng phim ảnh và ca nhạc quốc tế đổ bộ vào nước ta. Điều này có nguyên nhân từ việc người dân cập nhật thông tin chủ yếu qua sách báo, truyền hình, bởi vậy nên các trào lưu thời trang mới cũng qua các kênh này để tiếp cận với công chúng.

Ta có thể điểm qua một số ảnh hưởng nổi bật trong thời này như làn sóng phong cách từ phim dài tập Hàn Quốc, phim truyền hình Âu – Mỹ, các ca sĩ nhóm nhạc đình đám của nước ngoài...

Những phim Hàn Quốc đình đám lúc bấy giờ như Mối tình đầu, Người mẫu, Ước mơ vươn tới một ngôi sao, Cảm xúc… khiến người xem đổ xô đi may những bộ trang phục mang hơi hướng thanh lịch, màu sắc nhã nhặn, hài hòa, kiểu dáng đa dạng… Trang phục công sở của nữ giới cũng trở nên đẹp, chỉn chu, sành điệu hơn cũng từ phong cách Hàn Quốc rất nhẹ nhàng và nữ tính này.
Làn sóng phim Hàn Quốc đem tới những xu hướng thời trang thanh lịch, nhã nhặn
Ngôi sao truyền hình thập niên 90 Kim Nam Joo là thần tượng thời trang của phụ nữ Việt

Với cuộc đổ bộ của các ca sĩ, nhóm nhạc nước ngoài mà đại diện tiêu biểu có Spice Girl, Britney Spears, Backstreetboys, Christina Aguilera… đem tới trào lưu áo quây, áo hai dây mặc với quần thụng hoặc váy xếp ngắn đối với nữ giới, và quần áo phong cách năng động khỏe mạnh như mốt mặc áo layer  áo sơ mi bên ngoài, áo thun bên trong), quần vải thô ống xuông, giày thể thao… đối với nam thanh niên…

Sự nghiệp lúc bình minh của các nhà thiết kế và hãng thời trang Việt

Nhắc tới thời trang Việt nửa cuối thập niên 90 ta cũng không thể bỏ qua việc lưu ý tới sự phát triển của các nhà tạo mẫu Việt và các hãng thời trang Việt. Điểm sáng trong các nhà thiết kế ít ỏi và non trẻ lúc bấy giờ là nhà thiết kế Minh Hạnh với việc kết hợp các giá trị truyền thống của trang phục dân tộc với hơi thở đương thời, hiện đại. Đây là một hướng đi rất tích cực, độc đáo có ảnh hưởng tích cực đối với nền thời trang Việt Nam.
 
Một mẫu thiết kế của nhà thiết kế Minh Hạnh

Bên cạnh đó, các hãng “made in Viet Nam” như Việt Tiến, May 10, và đặc biệt là sự ra đời năm 98 của nhãn N. ở thời này là khá táo bạo và “ nguy hiểm” bởi sự “sính xu hướng ngoại” như bài viết đã đề cập ở trên của người dân. Tuy nhiên, dù mẫu mã không mấy hấp dẫn bởi chưa bắt kịp xu hướng thì lợi thế giá cả phải chăng, chất lượng bền đã khiến người dân dần dần chấp nhận sử dụng. Nhìn một cách tích cực hơn, đây lại là bước nền cực vững chắc cho sự nở rộ rực rỡ của trào lưu dùng đồ “Made in Viet Nam” xuất khẩu mà chúng sẽ đề cập tới trong kỳ cuối của loạt bài viết này.
 
N. – một trong những thương hiệu thời trang Việt tiên phong

Thu Hương

Áo dài xuất hiện trong từ điển tiếng Anh cũng vẫn là “aodai” chứng tỏ sự biểu trưng mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam của tà áo dài. Trải qua nhiều thăng trầm, chiếc áo dài trở thành một hình ảnh gắn liền và là niềm tự hào của người Việt. Để có được vị trí như hôm nay, áo dài cũng đã trải qua một bề dày lịch sử với nhiều mốc đáng nhớ.

Cội nguồn lịch sử

Không thể xác định niên đại chính xác của áo dài, bởi ngay tà áo được coi là quốc phục của người Việt cũng phải trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, thời gian, du nhập nhiều nền văn hóa qua nhiều giai đoạn mới có ngày hôm nay. Tuy nhiên, ngay trên những tranh khắc của Trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm đã thấy thấp thoáng bóng dáng của tà áo dài, tranh khắc trang phục của phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ.
Áo dài trước năm 1910 do công chúa Thuyền Hoa mặc

  
Áo dài Giao Lãnh, sơ khai của áo dài Việt Nam

Tại sao nói trang phục với hai tà áo xẻ lại là bóng dáng của áo dài, vì nét đặc trưng mạnh mẽ nhất của áo dài chính là hai tà áo. Cho dù trải qua bao nhiêu ngàn năm với bao nhiêu biến thể, nét duy nhất còn nhận ra được trang phục truyền thống của người Việt không bị lai tạp với các nền văn hóa khác chính là hai tà áo dài. Có nhiều người cho rằng áo dài Việt là một bản khác của sườn xám của phụ nữ Trung Quốc, nhưng chiếc sườn xám chỉ xuất hiện vào khoảng 1920, còn tà áo dài Việt đã có từ rất lâu trước đó. Điều đó chứng tỏ áo dài là một nét văn hóa của riêng Việt Nam, chỉ người Việt mới có.

Tiếp theo dòng lịch sử, sử giả Đào Duy Anh có viết: “Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo dài về bên tả. Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách đó chép thì ta có thể suy luận rằng trước hồi Bắc thuộc thì người Việt gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải”. Kể từ cuộc chiến do Hai Bà Trưng khởi nghĩa thất bại, nước ta chịu đô hộ hơn một ngàn năm dưới tay phương Bắc, tuy nhiên áo dài vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng. Kiểu sơ khai nhất của áo dài là áo Giao Lãnh. Tương truyền, do tôn kính Hai Bà, phụ nữ Việt Nam tránh mặc áo hai tà mà may thay bằng áo tứ thân với bốn thân áo tượng trưng cho bốn bậc sinh thành (của hai vợ chồng).

Áo dài tứ thân

Vả lại, khi đó kỹ thuật còn thô sơ, vải được dệt thành từng mảnh khổ nhỏ nên phải ghép bốn mảnh lại mới may đủ một áo, gọi quen là áo tứ thân. Áo gồm hai mảnh đằng sau chắp lại giữa sống lưng (gọi là sống áo), mép của hai mảnh được nối vào nhau và giấu vào phía trong.hai mảnh trước được thắt lên và để thòng xuống thành hai tà áo ở giữa, nên không phải cài khuy khi mặc. Bình thường, gấu áo được vén lên, chỉ khi có đại tang (tang chồng hay cha mẹ) mới thả xuống và mép vải để lộ ra ngoài thay vì giấu vào trong. Đấy là hình ảnh chiếc áo dài tứ thân mộc mạc, khiêm tốn.

Mãi đến thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân mới đổi thành áo ngũ thân, lúc này áo có thêm một thân nhỏ tượng trưng cho người mặc. Đến năm 1884, khi triều đình Huế nhượng quyền cai trị vào tay Pháp, văn hóa Tây phương bắt đầu du nhập vào Việt Nam và đem lại nhiều biến đổi với tà áo dài. Từ đây áo dài bước qua một trang sử khác và hé lộ nhiều dáng dấp của áo dài ngày nay.

Áo dài đương đại theo dòng thời gian


Sau khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội được mở ra, đã có nhiều họa sĩ tâm huyết với tà áo dài dân tộc thiết kế thêm để áo dài dễ dàng đến với người hiện đại hơn. Áo dài Le Mur chính là bản đầu tiên, Le Mur chính là tên tiếng Pháp của họa sĩ Cát Tường, người đã thực hiện một cải cách lớn với chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn hai vạt trước và sau mà thôi. Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn.

Sau đó, họa sĩ Lê Phổ cải tiến áo Le Mur và mẫu áo dài này được hoan nghênh trong Hội chợ Nữ Công Đà Nẵng. Đây là một kết hợp giữa áo Le Mur và áo tứ thân, rất gần gũi với chiếc áo dài tân thời ngày nay: nối vai và tay không phồng lên, cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn. Đến lúc này tay áo raglan nổi tiếng của áo dài ngày nay vẫn chưa xuất hiện, áo dài Lê Phổ vẫn giữ nguyên hình dáng và được phụ nữ Việt yêu thích và mặc suốt nhiều thời kỳ. Chỉ đến thập niên 60, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn mới sáng tạo ra kiểu tay raglan với phần tay và thân áo được nối xéo uốn lượn theo đường cong của nữ giới. Với phần tay này và quần cắt vải xéo thướt tha, áo dài trở thành tà áo vừa quyến rũ, vừa kín đáo phù hợp với hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Con gái Huế trong tà áo dài xưa

 

Áo dài cổ thuyền do bà Trần Lệ Xuân thiết kế

Từ đây tà áo dài hiện đại chính thức ra đời và vẫn giữ nguyên nét đẹp ấy cho đến ngày nay, dù đã trải qua bao năm tháng chiến tranh, áo dài vẫn là một biểu trưng của người phụ nữ Việt. Áo dài còn trở nên đặc biệt khi một chiếc áo chỉ may riêng cho một người và chỉ một người ấy mà thôi, không thể sản xuất đại trà, một khi đã may thì may vừa khít với số đo riêng của từng người nên tuyệt nhiên áo dài ôm sát cơ thể rất đẹp.

Tết với áo dài

Cho dù giờ đây người Việt không còn mặc áo dài như một loại trang phục thường ngày như trước đây, nhưng áo dài vẫn là một loại trang phục trang trọng để mặc trong những dịp quan trọng, trong những bữa tiệc hay áo dài đồng phục của một số công ty. Đặc biệt nhất là vào dịp tết, khi mọi người tụ họp về gia đình và trở về cội nguồn, thì tà áo dài lại trở nên một loại trang phục mang nhiều nét dân tộc.Vì là trang phục đặc biệt in sâu dấu ấn vào tâm trí người Việt, áo dài ngày càng được khuyến khích mặc trong ngày tết.

Áo dài cách điệu dành cho giới trẻ 
 

Hình ảnh áo dài trong bộ sưu tập của Emillio Pucci

Không cần quá cầu kỳ trong cách mặc áo dài, đối với phụ nữ thì có thể may áo theo kiểu truyền thống, tà áo dài thướt tha mặc với quần lụa. Ngày nay các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng như Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung, Việt Hùng… vẫn sáng tạo ra những mẫu áo dài cách điệu để phù hợp với giới trẻ như áo dài tay ngắn, tà ngắn và có thể mặc chung với quần jeans, quần ôm… Ngay cả nam giới cũng khuyến khích mặc áo dài trong dịp này, điều này sẽ càng tôn vinh lên nét đẹp truyền thống đáng ngưỡng mộ của người Việt.

Áo dài đang dần trở thành thời trang khi không chỉ người Việt mới mặc áo dài, mà ngay cả các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới cũng đưa tà áo dài làm cảm hứng sáng tạo cho những bộ sưu tập trên sàn diễn quốc tế của mình. Trong bộ sưu tập mới nhất lấy cảm hứng từ Việt Nam, nhãn hàng Emillio Pucci đã cho ra mắt những mẫu thiết kế hết sức hiện đại và sang trọng, đặc biệt là in đậm hình ảnh của hai tà áo dài. Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng của áo dài Việt, khi được thế giới đón nhận với một cách nhìn khác, dự báo áo dài sẽ trở thành một biểu tượng của văn hóa và thời trang chứ không phải chỉ là trang phục truyền thống.

Bảo Quyên

Bất cứ ai đã từng để lại tuổi thanh xuân ở giai đoạn bao cấp và đầu đổi mới thì đều có cả một “kho truyện” để kể lại cho thế hệ em, con cháu mình nghe. Thời kỳ ấy không huy hoàng niềm hạnh phúc như đúng bản chất nó phải thế, mà trái lại hằn sâu trong tâm trí những người đã từng sống thứ miền ký ức về sự khốn khó, thiếu thốn theo cách vô cùng ấn tượng. Người ta nhắc lại cụm từ “bao cấp", "đầu đổi mới” thường với 2 trạng thái ngược nhau: một là trầm ngâm suy tư, hai là cười phá lên đầy vui vẻ sảng khoái. Thứ kỷ niệm về thời kỳ đặc biệt ấy khi ngẫm lại chỉ có thể là niềm đau hoặc một hoài niệm đẹp.

Những chuyện vô đề về các “dân chơi hàng xịn”


Đầu thập kỷ 60, mốt của thanh niên là diện quần ống tuýp, loại quần này tiêu chuẩn là phải chật, thật chật, đến mức lúc thay ra cần có người kéo ống quần hộ thì mới đúng điệu. Nam thanh niên để đầu "đít vịt"– kiểu tóc để dài, chải keo sáp bóng nhoáng, vuốt túm chỉa chỉa về phía sau, cưỡi hiên ngang con xe Pha vo rít (Favorite) đi ngoài đường là ai cũng phải ngoái nhìn.

Tầm sau giải phóng, ảnh hưởng với phong trào phản chiến hippy, người ta quay sang “cuồng si” mốt áo vải thô bó chẽn cùng quần ống loe rộng và để tóc dài phóng khoáng.
 
Thanh niên thời đó rất thích mốt quần loe trẻ trung (ảnh minh họa)

Cách ăn mặc như vậy đối với giới trẻ rất được ưa chuộng, song về tình hình xã hội thì cách phục sức kiểu này rất “có vấn đề”, bị xếp vào hàng văn hóa lai căng, không đứng đắn. Một số đơn vị hành chính còn treo biển rất rõ ràng “Không tiếp quần loe”, “Chúng tôi không tiếp những người mặc quần loe, quần tuýp, để tóc bù xù”. Thậm chí trên các ngã tư, đường phố thường có các đội thanh niên tình nguyện cờ đỏ chuyên chăm chăm đi cắt quần ống loe. Xử nhẹ là cắt dọc đường li trước, nặng là cắt phần ống quần rộng. Đầu đít vịt hay tóc tai râu ria xồm xoàm dài quá quy định nếu bị bắt cũng đều phải cắt trụi hết. Bên cạnh đó tiêu chuẩn đánh giá dân chơi thời ấy không nằm ngoài câu vè sau:

"Một yêu anh có Pơ giô (peugeot)
Hai yêu anh có Selko đàng hoàng
Ba yêu anh có bộ đồ sang
Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô...”
 
Xe đạp pơ giô (trên), đồng hồ Poljot (bên trái) và đồng hồ Seiko (bên phải)

Đến những năm cuối 70, đầu năm 80, do tình hình khan hiếm hàng hóa nên đã bắt đầu xảy ra nạn buôn lậu tại các đầu mối cửa khẩu nước ta. Những con buôn vận chuyển hàng lậu được người dân “ưu ái” gọi bằng một cái tên khá kì dị: dân bám mích. Tay nào buôn hàng trót lọt được vài bữa là đã giàu lên nhanh chóng, và tất nhiên họ đều diện những bộ cánh thời thượng nhất bấy giờ. Dạo ấy, vải Pho Canada là loại thịnh hành và được ưa thích nhất bấy giờ. Thứ vải này được người bây giờ miêu tả lại bằng sự châm chọc “May đồ bằng Pho Canada, mặc mùa đông thì lạnh run, mùa hè diện vào lại nóng chảy mỡ”. Chê bai là vậy nhưng vào thời đó, phải khá giả lắm mới có mà mặc. Phất lên nhanh nhờ buôn gạo, bột mì, phân bón, dân bám mích không thoát khỏi thành ngữ sâu cay “ Trưởng giả học làm sang”. Giữa mùa hè nắng chang chang đổ lửa, thế mà các tay chơi “dân bám mích” vẫn cố đóng nguyên cả bộ kiểu ký giả may bằng vải Pho Canada, đầu đội mũ phớt len, đeo kính râm, đi đôi sa bô nặng chịch...trông vô cùng bức bối, ngột ngạt. Đối với những quán ăn hay hàng giải khát, hôm nào gặp được toán dân chơi đóng bộ bảnh chọe này là biết ngay đã vào dịp vớ bở, tha hồ mà chặt chém…

Cho tới giữa năm 80 đến đầu 90, danh xưng “dân chơi hàng hiệu” chuyển sang cho những người may mắn có người nhà đi xuất khẩu lao động hoặc đi học ở nước ngoài về. Màu mốt nhất thời đấy là các tông cỏ úa, tím than. Người sành thời trang là phải diện áo lông Đức hoặc áo bay Nga mặc quần giả bò cưỡi Custom Minks, Simson, Suzuki 100 mận chín, Honda Super Cub C50... Một bộ hoàn chỉnh như vậy đáng giá bằng cả một gia tài vì thế nên nếu có “ cưa” cô nào là đổ cô ấy. "Một trăm lời nói không bằng ống khói Hon Đa” - như các đại gia, thiếu gia ngày nay, các dân chơi thời xa vắng như thế này luôn được người đời nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ pha chút thèm thuồng, ghen tị.

 Áo Nato một thời rất "hot"
 
"Anh chàng" đi Suzuki mận chín là điển hình của dân chơi bấy giờ với mũ cối, áo Nato 
 
  
Một thanh niên "chịu chơi" khác với style rất lãng tử 
   
Để hoàn thiện cho phong cách, chắc chắn phải có...tờ 10 đồng đút ngay ngắn vào túi áo trước ngực

Gần hơn chút nữa, vào cuối 80 đầu 90, định nghĩa người ăn diện đúng điệu là phải mặc áo chim cò Thái Lan, quần bò mài… trông rất hoa lá cành, đỏm dáng.
 
Thiếu nữ "băng đỏ" xinh đẹp với một trong những cách mặc thời trang nhất giữa thập niên 80: Áo len cổ lọ bên trong, áo lông Đức bên ngoài. Người ngồi bên cạnh cũng rất hợp thời cùng áo Nato và mũ bò kiểu Levi's

Và những nghề chỉ thời ấy mới có

Có những thứ chỉ tồn tại ở một thời điểm nhất định. Những nghề phục vụ sự mặc thời bao cấp là một trong những thứ như vậy. Xuất phát từ việc mọi cái đều phải nhận qua tem phiếu, nhiều người dân rơi vào tình cảnh quần áo giày dép thiếu thốn, vải vóc không dư thừa, một năm con em cán bộ công nhân viên chức nội thành cũng chỉ được phát có khoảng 2,5 mét vải. Chính bởi vậy nên người thời ấy rất giữ gìn trang phục, bởi nếu rách tả tơi quá thì cũng không có cái khác để mà thay. Phỏng theo nhu cầu ấy, một số nghề nho nhỏ nhưng đặc biệt đã nở rộ.

Hồi ấy có nghề may lộn lại quần. Sở dĩ có nghề này xuất phát từ việc thiếu vải. Mỗi người chỉ có khoảng 1 -2 cái quần để mặc đi mặc lại, mặc đến khi sờn rách, bạc màu. Thế là người ta đem chiếc quần “Chử Đồng Tử’’ ra hiệu nhờ tháo hết đường chỉ ra, lộn bên trong ra bên ngoài hoặc cắt đôi ống quần xoay đằng trước ra đằng sau rồi mới may lại. Mặt trong quần do ít tiếp xúc với ánh nắng nên vẫn còn rất mới, nếu không may có chỗ rách nào thì mạng lại bằng chỉ cùng màu.

Lại có giai đoạn Hà Nội nở rộ các hàng chuyên hàn dán dép nhựa, dép cao su. Người ta nấu chảy các miếng nhựa, cao su vụ để tra vào chỗ bị đứt, mẻ. Ngoài ra còn có nghề làm dép râu rất được chuộng. Đế dép được làm bằng vỏ xe nhà binh cũ, quai dép bằng ruột xe. Vỏ xe và ruột xe được cắt nhỏ, gọt theo dạng bàn chân, xỏ lỗ để luồn quai. Dép râu mang ít mòn, ít hư chỉ tội là hay bị đen chân do ruột cao su và kiểu dáng không thanh nhã, nặng nề, xấu xí.


Nghề vá sửa dép cao su, dép nhựa đã từng có thời rất phổ biến

Nghề “thợ nhuộm” đã có từ lâu ở miền Bắc, sau 1975, nghề này có cơ hội phát triển ở miền Nam do nhiều người có nhu cầu nhuộm đen quần áo cho sạch hoặc để “đỡ thấy dơ” hơn, tiện cho công việc lao động. Cũng có người đi nhuộm đồ trắng hay màu thành đenchỉ để tỏ ra cũng thuộc nhóm người lao động. Đồ được đem đi nhuộm là áo quần quân đội từ áo quần kaki vàng của sĩ quan, đến đồ xanh, đồ rằn ri của lính hay đồ trắng cảnh sát,… đều bị nhuộm thành màu đen hết.
 
Nghề chuyên nhuộm các loại quần áo có màu thành màu đen

Ngoài ra còn một số nghề độc đáo khác như may áo vải bao bột mì, nghề phân kim (thu mua vụn vàng bạc để chế tác lại), sang sợi vá quần áo…đến nay đã gần như tuyệt diệt).

Thu Hương
Click để bắt đầu chia sẻ những bức ảnh vui!

LIKE BOX