Đảng cần cách nhìn mới

Lượt xem: Lượt bình luận:
vào lúc

Phải từ dân và bằng dân mà chấn chỉnh, đổi mới Đảng. Phải từ trong dân, từ ý chí và tâm trạng của dân để hiểu về đường lối, chính sách của Đảng, về phẩm chất và hành động của đảng viên.

Đảng phải trẻ lại

"Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Cách đây hơn nửa thế kỷ, tháng 1 năm 1946, Bác Hồ nói với tuổi trẻ Việt Nam như vậy. Có một ngẫu nhiên thú vị, cùng với mừng Xuân, nhân dân ta lại có dịp mừng Đảng. Năm nay ngày kỷ niệm lịch sử 80 năm thành lập Đảng, Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đến vào một Mùa Xuân nhiều thử thách càng thấm thía hơn chiều sâu sức mạnh Tư tưởng Hồ Chí Minh, ngọn cờ thắng lợi của dân tộc Việt Nam ta.

Lịch sử đi theo những con đường bí ẩn mà thời gian đã dần dần lộ diện những sự thật đôi khi bị phủ kín bởi bộn bề, ngổn ngang những sự kiện. Nói về lịch sử, Phạm Văn Đồng có một câu rất đáng suy ngẫm: "Lịch sử là con người nhân với thời gian. Tôi hình dung lịch sử là một ông già đã nhiều tuổi lắm, nhưng ông già lịch sử đang dần trẻ lại, và qua một quá trình diễn biến đầy kịch tính, sẽ từng bước trở thành một thanh niên giàu sức sống...".


Ảnh VNN

Một Đảng với 80 năm đảm đương sứ mệnh "soi đường chỉ lối cho nhân dân ta vững bước trên con đường thắng lợi" như Hồ Chí Minh đã khẳng định cũng buộc phải "đang dần trẻ lại, và qua một quá trình diễn biến đầy kịch tính, sẽ từng bước trở thành một thanh niên giàu sức sống". Bởi lẽ, chỉ có như vậy thì Đảng mới tiếp tục thực hiện được sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình trong một thế giới đầy biến động của thế kỷ XXI với "một quá trình diễn biến đầy kịch tính" của thập niên đầu tiên!

Trong quá trình ấy, dòng chảy của cuộc sống vẫn miệt mài không một phút giây ngừng nghỉ, song không phải là cái trước tiếp cái sau theo trình tự tuyến tính, mà luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng nảy sinh những hợp trội không dự báo trước được.

Cần một đôi mắt mới

Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, từ bên trên quyết định. Cứ thế, con người vượt qua mọi cản ngại để đi tới với đôi mắt mới nhìn vào thế giới để luôn luôn cập nhật thông tin, nhằm kịp thời điều chỉnh tư duy và hành động tương thích với cuộc sống đang vận động.

Nếu chỉ quen với con đường mòn, người đi sau dẫm lên dấu chân của người đi trước, sẽ dẫn đến thảm hoạ vì con đường mòn đó không có lối ra trong một thế giới đầy biến động với những hợp trội tạo ra những bước đột phá mà mọi sự dự đoán đều không chắc chắn.

Không có một bản đồ vạch sẵn cho con đường phía trước. Những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước.

"Thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức những công thức để thành công trong ngày hôm nay hầu như chắc chắn sẽ là những công thức để thất bại trong ngày mai", sự khái quát nhằm cảnh báo các công ty và các nhà doanh nghiệp trong thời đại, nhưng chắc chắn không chỉ có ý nghĩa khuyến cáo với các doanh nhân. Thật ra đây cũng chỉ là sự diễn đạt về biện chứng của sự phát triển.

Cách đây hai thế kỷ, Hégel đã từng chỉ ra: "...trong quá trình phát triển, tất cả những gì trước kia là hiện thực thì hiện nay trở thành không hiện thực, mất tính tất yếu, mất quyền tồn tại, mất tính hợp lý của chúng; và hiện thực mới, đầy sinh lực, thay thế cho hiện thực đang tiêu vong {3}.

Bằng cái nhìn biện chứng ấy mà dõi theo sự vận động của thế giới chỉ trong một thập niên mở đầu của thế kỷ XXI để nhận ra những biến động dồn dập mà trước đó khó hình dung nổi, càng hiểu ra rằng sự biến đổi chính là một hằng số trong thế giới mà chúng ta đang sống.

Mà đâu phải chỉ hôm nay, nhân mùa Xuân đến, xin đọc mấy câu trong bài kệ của thiền sư Mãn Giác làm cách đây gần một nghìn năm: "Xuân khứ bách hoa lạc. Xuân đáo bách hoa khai", [xuân qua trăm hoa rụng, xuân đến trăm hoa nở] để dẫn đến câu kết bằng một hình tượng tràn đầy sức sống: "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai", [đừng bảo xuân tàn hoa cũng rụng hết, đêm hôm qua, trước sân rộ một cành mai].

Trước đó 76 năm, Thiền sư Vạn Hạnh cũng đã có một cách nhìn như vậy : "... Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô. Nhậm vận thịnh suy vô bố úy. Thịnh suy như lộ thảo đầu phô" [như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt, đến mùa thu khô héo. Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi, Vì thịnh suy nối tiếp nhau (chỉ) như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ].

Sự sống là bất tận. Xuyên qua u ám giá rét, một cành mai vẫn mạnh mẽ khoe sắc, sự sống vẫn đâm chồi nẩy lộc mặc cho phong ba bão táp, sương rơi nắng đổ!

Nhìn sự thịnh suy nối tiếp nhau mà chỉ như là khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ thì quả thật, nếu không có bản lĩnh của người làm chủ cuộc sống, làm chủ chính mình, không thể có cái nhìn như vậy!

Ẩn chìm và xuyên suốt trong triết lý Thiền của ông cha ta xưa kia, ngẫm thật kỹ, sẽ thấy rõ cái nhìn của ông cha ta một nghìn năm trước đây vời vợi một chiều sâu của tầm cao suy tưởng.

Đôi mắt phóng ra tầm nhìn từ cách đây đã gần mười thế kỷ mà xem ra lại rất hiện đại. Thì đây, Marcel Proust, văn hào hiện đại Pháp cũng đã nói về điều này: "một cuộc thám hiểm thật sự không phải ở chỗ tìm kiếm những vùng đất mới, mà ở chỗ cần có đôi mắt mới".

Cũng trời đất ấy, thế giới ấy, con người thế ấy nhưng với đôi mắt mới sẽ nhìn ra những điều mà một tầm mắt hạn hẹp, thiển cận và lệ thuộc vào những định kiến, những giáo điều học thuộc lòng, sẽ không thể nào nhìn ra được. Đôi mắt ấy cần biết bao vào thời điểm này, lúc phải có một cách nhìn để vững tin vào ngày mai.

"Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết". Sự sống không hề rụng, mà nếu có "rụng" dưới con mắt trực quan, thì cũng là để chồi non bật lên.

Vượt qua không gian và thời gian, những ý tưởng lớn gặp nhau. "Cử đầu hồng nhật cận. Đối ngạn nhất chi mai" [Ngẩng đầu, mặt trời đỏ, Bên suối một nhành mai], đó là hai câu thơ của Bác Hồ trong bài "Lên núi" làm ở bản Lũng Dẻ năm 1942, mấy tháng trước khi lên đường đi Trung Quốc với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam Độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam.

Hãy đọc tiếp hai câu trong bài "Tự khuyên mình" của Hồ Chí Minh trong "Ngục trung nhật ký", tập thơ làm từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943 khi Người bị bắt ở Quảng Tây và suốt 13 tháng bị giải đi từ nhà lao này đến nhà lao khác: "Ví không có cảnh đông tàn. Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân. Nghĩ mình trong bước gian truân, Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng".

Tổ quốc là trên hết!

Những mùa đông nghiệt ngã rồi cũng phải nhường bước cho mùa Xuân khoe sắc khoe hương. Nhìn lại năm 2009 quả là có như vậy, "mùa đông" với những tai ương chướng họa từ trời, từ người. Năm qua là năm của những thiên tai dồn dập, cũng là năm thử thách trước những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới đến sự nghiệp phát triển của đất nước ta vốn đang phải triển hết gân sức để vượt qua khó khăn nhằm hướng tới một sự phát triển bền vững.

Khó khăn từ trời làm trầm trọng thêm khó khăn từ người: nạn tham nhũng vẫn tràn lan và tinh quái, rồi những yếu kém trong bộ máy quản lý các cấp... Và từ người còn ở những tà ý và sự nhẫn tâm mà bà con ngư dân ta phải gánh chịu với những đụng độ trên biển cả lúc sóng gầm cũng như lúc biển lặng. Nhưng, bằng ý chí của cả dân tộc không chịu khuất phục trước những mưu toan và áp lực xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, một khí thế mới đã được khởi động để làm hậu thuẫn cho đường lối ngoại giao hòa bình, hữu nghị của đất nước đang vươn lên trên những vị thế mới trong đời sống quốc tế.

Mùa Xuân của năm Canh Dần đang gõ cửa. Khởi đầu của Mùa Xuân là kỷ niệm 80 năm ngày lịch sử trọng đại ngày thành lập Đảng. Lúc này, phải làm sao để cuộc vận động học tập và làm theo Bác Hồ "đã đi vào chiều sâu, mang tính phổ biến, đạt kết quả cụ thể và thuyết phục" được thể hiện sống động trong việc giải quyết những bức xúc của xã hội mà tệ nạn tham nhũng là điều mà "trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào".

Để làm được điều ấy, hơn lúc nào hết, phải giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi hoạt động của Đảng, của Nhà nước do Đảng lãnh đạo, để tư tưởng ấy được mọi tầng lớp nhân dân tin tưởng và noi theo.

Thực tế đã chứng minh rằng, lúc nào thật sự quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vững quan điểm dân tộc, lấy lợi ích dân tộc là tối thượng với tinh thần Tổ quốc trên hết, thì cách mạng thu được thắng lợi. Lúc nào đi chệch khỏi tư tưởng của Hồ Chí Minh, thổi phồng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp xem đó là động lực của cách mạng, của phát triển xã hội, thì cách mạng thất bại.

Chính vì vậy, trên chặng đường lịch sử mới, Đảng của Hồ Chí Minh cần phải tự làm mới mình, tự vượt lên chính mình bằng cách tiếp thu trí tuệ những thành tựu của văn minh loài người đã đạt được trong thời đại mới của thế kỷ XXI, cùng với cái đó là bằng sự tìm hiểu kỹ những bài học thành bại của phong trào cách mạng trên thế giới để tự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động của Đảng.

Chỉnh đốn lại Đảng

Điều kiện tiên quyết để thực hiện những việc đó thì "việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng" như lời căn dặn của Hồ Chí Minh trong Di chúc. Cần làm trước tiên vì nếu không lấy lại được lòng tin của dân khi mà lòng tin ấy bị suy giảm do những thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên, nhất là những đảng viên đang chiếm giữ những vị trí có tầm ảnh hưởng đến các hoạt động của Đảng, Nhà nước và hệ thông chính trị, những người đang hàng ngày sống giữa cộng đồng mà nhất cử, nhất động đều không tránh khỏi tai mắt am tường của quần chúng nhân dân.

Học tập và làm theo tấm gương đạo dức Hồ Chí Minh trước hết là suy nghĩ kỹ để thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân, về dân tộc, về Đảng. Tư tưởng đó là Đảng gắn với dân, Đảng của dân, Đảng ở trong dân, Đảng của dân tộc Việt Nam.

Điều này càng trở nên có ý nghĩa trực tiếp khi mà sự tha hóa của quyền lực đang có chiều phát triển thể hiện trong tình trạng xa dân, trong tệ tham nhũng càng chống càng tăng.

Phải từ dân và bằng dân mà chấn chỉnh, đổi mới Đảng. Phải từ trong dân, từ ý chí và tâm trạng của dân để hiểu về đường lối, chính sách của Đảng, về phẩm chất và hành động của đảng viên. Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh không phải bằng những khẩu hiệu hay những bài tụng ca du dương mà là bằng những hành động góp phần đưa sự nghiệp vẻ vang của Đảng tiến lên chặng đường mới của phát triển.

Vào năm 1920, khi tham gia vào việc thành lập Đảng cộng sản Pháp, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc rất thích câu nói của Jaurès, nhà cách mạng Pháp: "Trung thành với truyền thống không có nghĩa là quay về những thế kỷ đã lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma, mà trái lại, đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó".

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng, Đảng của Hồ Chí Minh, phải chăng có thể nhắc lại câu nói ấy để khẳng định trở lại một cách thế mới của việc trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, ngọn cờ tư tưởng đưa dận tộc ta đi về phía trước bằng bản lĩnh sáng tạo và linh hoạt trong tư duy cũng như trong hành động.

GS Tương Lai

Like haivl trên Facebook để được cười nhiều hơn nhé ^^

Bình luận Báo cáo vi phạm

Click để bắt đầu chia sẻ những bức ảnh vui!

LIKE BOX